So sánh sản phẩm

Ghi nhận tại gói thầu số 9 - thi công đường vào cảng và ga Cái Lân

      Dự án trọng điểm của Bộ GTVT (Tổng công ty đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư) do liên danh nhà thầu Tổng công ty xây dựng Thăng Long – Công ty CP công trình đường sắt – Công ty CP miền Trung trúng thầu thi công.
      Đã qua rồi những ngày đầu (khai sơn lập địa) ngày chủ đầu tư và địa phương bàn giao tạm thời mặt bằng 15/12/2007 chỉ với 15 tháng (450 ngày) triển khai thi công (trong tổng số 540 ngày thời gian thực hiện hợp đồng) lực lượng nhà thầu đã đào phá hàng vạn m3 đất đá, đắp 40.000 m3 cát; sử lý nền đất yếu tạo nên một mặt bằng công trường để 5 trụ kép, 1 mố kép cho cầu chính cùng 10 trụ đơn cho 2 nhánh RAM lên xuống cầu vượt chính. Trên nền móng của 104 cọc khoan nhồi đường kính 1,2m sử dụng trên dàn khoan GPS và khoan đập RT3
      Ban điều hành đã có tổng kết  để so sánh hiệu quả của thiết bị khoan đập RT3, thiết bị khoan rất phù hợp ở công trường này. Hoàn thành cơ bản phần hạ bộ của cụm cầu vượt nút giao lập thể một trong hai hạng mục chính của gói thầu để bước sang giai đoạn thi công phần thượng bộ đúc dầm – hoàn thiện cầu.
      Đúng như lời giới thiệu của kỹ sư Nguyễn Quang Tuýnh – Phó TGĐ Tổng công ty XD Thăng Long trực tiếp phụ trách gói thầu giới thiệu với chúng tôi trước khi xuống công trường: “... Phải về Hạ Long-Cái Lân để xem công nghệ nhà thầu Thăng Long đúc dầm hộp bản rỗng cho cầu vượt...” Quả thật những ngày cuối tháng 4 đầy nắng. Như một sự trùng hợp Tổng công ty XD Thăng Long được mùa cầu vượt: cầu vượt Nguyễn Tam Chinh (Hà Nội), cầu vượt nút giao tỉnh lộ 70, cầu vượt quốc lộ 54 và trước đó cầu vượt Pháp Vân, thay các nhịp dầm được ghép nối bằng những thanh dầm đơn đúc sẵn truyền thống đặt lên. Công nghệ đúc dầm bản rỗng tại chỗ liền khối với những ván khuôn đặt trên hệ đà giáo vững chắc đã trở nên phổ biến trong những năm cuối thập kỷ đầu thế kỷ 21. Với ưu việt liền khối, dáng thanh thoát kéo dài được khẩu độ nhịp đồng thời tạo được dáng kiến trúc lập thể cho công trình. ở cầu vượt QL 18 Cái lân này cũng vậy, kỹ sư Lê Ngọc Thanh người của Thăng Long – Giám đốc ban điều hành liên danh cho biết “... Công trường vừa được tư vấn giám sát nghiệm thu lắp đặt ván khuôn đáy, đúc khối dầm hộp đầu tiên sau khi đã ra tải 214 tấn bằng các khối bê tông đúc sẵn dựa trên 2 bộ giàn giáo với thời gian 5 ngày, độ lún nền được triệt tiêu. Công trường như một rừng thép hệ đà giáo palê là những ống thép, thanh thép được ghép nối 3 tầng, đan kín khoảng không 2 trụ có chiều dài 47m, chiều rộng bằng mặt cầu 22m.
     Bên chiếc máy trắc địa, kỹ sư Nguyễn Hồng Sơn - đội trưởng phụ trách nhà thầu Công ty XD và PT công nghệ Thăng Long trực tiếp thi công, với một mái tóc xõa trước trán bện mồ hôi, trên gương mặt bừng đỏ cho biết: “... việc điều chỉnh lắp đặt ván khuôn đáy, ván khuôn thành phải tuyệt đối chính xác cho nên chỉ làm việc ban ngày...”.
     Đứng đằng sau hỗ trợ gói thầu là cả một Tổng công ty lớn, là lãnh đạo Đảng ủy, Hội đồng quản trị, ban Tổng giám đốc quan tâm chỉ đạo. Chỉ tính bước chuyển giao giai đoạn thi công, Tổng công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng mua sắm mới 2 bộ đà giáo ván khuôn, điều động các cán bộ phòng  Kỹ thuật công nghệ, các cán bộ Trung tâm quản lý dự án Thăng Long xuống công trường chỉ đạo theo phương thức “giao ban đầu bờ” hàng tuần tại hiện trường, giải quyết kịp thời các vướng mắc về kỹ thuật và thiết bị. Cũng vì tiến độ và cũng vị thế liên danh nhà thầu, guồng máy điều hành và thi công đã chạy ngon lành để về đích!
     Đứng trên tầng thượng của ngôi nhà 6 tầng - điểm cao duy nhất đối diện với công trường bên đường đôi 18 đoạn dẫn vào cầu Bãi Cháy vượt biển, nhìn dòng xe đủ loại vun vút chạy qua, cụm cầu vượt nhỏ thôi mà phối cảnh thực tại đã hình thành, phần cầu chính kia dài 230m rộng 22m nối trực tiếp vào nhà máy đóng tầu Hạ Long – một cơ ngơi bề thế, hiện đã cho ra đời những con tàu biển 3 vạn tấn và cạnh đấy, đan xen là cảng nước sâu Cái Lân, cầu cảng mang tầm quốc tế. Cắt ngang dưới cầu là nền đường sắt tương lai đã được lu lèn, chạy dài tới chân núi xa xa, vạt núi cao tới 164m đã được phá (để tạo nền đoạn đường sắt cao độ +5m, +6m dài gần 2km nối ga Cái Lân.
Còn nữa! hai nhánh Ram đường dẫn lên cầu chính, nối liền với đường gom cạnh QL 18 về hai phía, cụm cầu sẽ là cửa ngõ giao thông, nút giao chính khi đường sắt hoàn thành đi vào khai thác mặc dù vị trí trụ cầu kép mang tên P1 và mố cầu M1 đến 30/4/2009 mới được chủ đầu tư và địa phương  giao mặt bằng nhưng cũng sẽ bắt nhịp được với thời điểm đúc khối dầm hộp cuối cùng dịp cuối năm 2009.
     Gói thầu số 9 nếu được điều chỉnh giá theo nghị định 09/CP là gần 400 tỷ đồng, so với cả dự án chỉ là một phần rất nhỏ,  đứng ở trên cao phần cầu vượt chỉ chiếm một góc nhỏ so với dãy nhà xưởng thiết bị nhà máy đóng tầu, cụm cảng Cái Lân kéo dài, trải rộng hàng km, song cụm cầu cũng là điểm nhấn côngnghệ và kiến trúc cuối cùng của dự án, cũng là niềm tự hào của nhà thầu được thi công ở một tỉnh, một vùng sôi động đầy tiềm năng cả về kinh tế và du lịch của đất nước.

 
MTK
Ngày đăng: 31/12/2009

 

Tin cùng danh mục