50 năm thợ cầu Thăng Long
Ngày 5/11/1983, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi về thăm công trường và gặp gỡ cán bộ nhân viên đang xây dựng cầu Thăng Long, Người đã nói: "… Xây dựng xong chiếc cầu là quý, nhưng chưa cao quý bằng đã đào tạo nên một đội ngũ cán bộ công nhân tinh thông nghề nghiệp…" Và những lời dặn quý giá đó của Người đã hun đúc, kiến tạo lên giá trị, dấu ấn trên mỗi công trình giao thông, bằng bàn tay và khối óc người thợ cầu Thăng Long với truyền thống 50 năm xây dựng và trưởng thành Tổng công ty Thăng Long hôm nay.
Cầu Thăng Long biểu tượng của tình hữu nghị
Ngày 6/7/1973, Xí nghiệp Liên hợp cầu Thăng Long tiền thân Tổng công ty Thăng Long được thành lập để thực hiện nhiệm vụ xây dựng cầu Thăng Long - cây cầu lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ - công trình của thế kỷ 20. Tự hào với truyền thống 50 năm qua, người thợ cầu Thăng Long đã và đang dựng xây cho đất nước hàng nghìn công trình hiện đại, quy mô, phục vụ cho sự nghiệp phát triển và hội nhập của đất nước. 50 năm ấy, mồi hôi, công sức và trí tuệ của những người thợ Thăng Long đã thấm đẫm biết bao mảnh đất, ở đó có sự khát khao cống hiến và cả những hy sinh thầm lặng.
Cầu Thăng Long khánh thành ngày 9/5/1985, đánh dấu một bước trưởng thành cả về tri thức và công nghệ, cả về năng lực lãnh đạo và tổ chức thực hiện của tập thể những người làm cầu. Ngoài việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo đội ngũ thợ cầu có tay nghề trình độ, sau đó có thể tham gia xây dựng những cây cầu mang thương hiệu "Made in Vietnam", cầu Thăng Long cũng được xem là một trong những biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Xô.
Dấu ấn trên mỗi công trình
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Tổng công ty Xây dựng Thăng Long
(nay là Tổng Công ty Thăng Long) ngày 05/7/2013.
Sau cầu Thăng Long, những công trình lớn mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế như: cầu Chương Dương, Nậm Măng, Nậm Hỵ, Việt Trì, Phong Châu, Bình, Triều Dương, Tràng Tiền, Sông Gianh, Hoàng Long, Phù Đổng, Kiền, Yên Lệnh, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Bãi Cháy, Rồng, Pá Uôn, Thuận Phước và cảng Phú Mỹ, cảng Quy Nhơn, đường Hồ Chí Minh… lần lượt mọc lên như một mối nối gắn vào bước chuyển giai đoạn lịch sử phát triển kinh tế của đất nước, mà đội ngũ thợ cầu Thăng Long vinh dự được đóng góp xây dựng và kiểm chứng làm thay đổi bộ mặt giao thông đất nước…
Tiến trình lịch sử của một đất nước nói chung, một ngành kinh tế nói riêng cũng chính là tập hợp những truyền thống quý báu trong quá trình xây dựng và phát triển của từng tổ chức, cá nhân - những tế bào cấu thành nên xã hội và các thiết chế của nó. Sau 50 năm xây dựng và trưởng thành, cho dù nhiều lần thay đổi tên gọi, nhưng hai từ "Thăng Long" vẫn được gắn vào tên gọi của đơn vị là biểu tượng truyền thống, là thương hiệu tự hào của đội thợ cầu đường Việt Nam.
Vượt lên trong gian khó
Ngược dòng thời gian, những năm cuối cùng của thập niên 80, trước những khó khăn bộn bề, một doanh nghiệp Nhà nước lớn sau khi hoàn thành xong "công trình thế kỷ cầu Thăng Long", không còn được bao cấp việc làm, nhiều đơn vị thành viên của Tổng công ty có nguy cơ phải giải thể. Thời kỳ mà mọi người trong ngành GTVT gọi là hậu Thăng Long. Đội ngũ lãnh đạo của Tổng công ty mà đứng đầu là Tổng giám đốc Anh hùng Lao động Nguyễn Hải Thoại với tâm huyết của một kỹ sư giao thông được đào tạo bài bản, từng trải trong thực tế. Ông đã cùng với anh em, trực tiếp đề xuất những biện pháp, tìm việc làm ổn định và cải thiện đời sống cán bộ, công nhân viên của Tổng công ty trên cơ sở các chương trình luận chứng có tính hiệu quả cao được thông qua, phù hợp với chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước là xóa bỏ bao cấp, hoạt động theo cơ chế thị trường.
Song song với đó, Tổng công ty tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình mà Bộ GTVT giao như: Cầu Bến Thủy, Việt Trì, Ba Chẽ, Phong Châu, Trới, Bình, Yên Bái… Các công trình do người thợ cầu Thăng Long thi công đều hoàn thành và bàn giao đúng tiến độ. Lớp lớp thế hệ lãnh đạo Tổng công ty Thăng Long luôn xác định nghề xây cầu thật phức tạp, để kiến tạo nên một cây cầu đã phải thu nạp biết bao lĩnh vực kỹ thuật khác nhau, để công trình thử thách được với thời gian cùng muôn vàn tác động của cuộc sống là cả một quá trình phấn đấu liên tục.
Đặc biệt, những năm 2000, Tổng công ty thực hiện lần đầu tiên ứng dụng công nghệ cầu dây văng tại cầu Kiền, lần đầu tiên thi công công nghệ dầm cốt cứng (kéo dài khẩu độ dầm bê tông tới 40m) tại các công trình cầu vượt ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Và lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam tham gia đấu thầu quốc tế và trúng thầu 2 công trình xây dựng cầu tại nước bạn Lào, đó là cầu Nậm Mang và cầu Nậm Hy - đường 13 Nam Lào, 2 công trình được khánh thành bàn giao năm 1992, mở đầu cho Việt Nam hòa nhập với môi trường cạnh tranh thầu quốc tế ở các công trình xây dựng giao thông, xây dựng cơ bản nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam, để rồi sau này Thăng Long có mặt tại Cộng hòa LiBi, Campuchia… Tên tuổi của Thăng Long thông qua hàng loạt công trình dự án trong nước và quốc tế đã được Hiệp hội khoa học kỹ thuật các nước ASEAN xét chọn: Tổng công ty xây dựng Thăng Long đại diện cho các nhà thầu Việt Nam nhận giải thưởng CAFEO năm 2000 cho các công trình chất lượng quốc tế.
50 năm chưa phải là một chặn đường dài, song cũng đủ để lớp lớp thế hệ Tổng công ty Thăng Long ghi dấu ấn của mình trên mỗi công trình giao thông trên mọi miền tổ quốc. Và rồi những công sức bao lớp thế hệ xây dựng, gìn giữ và phát huy truyền thống vẻ vang của những người thợ cầu Thăng Long. Đó là: Một lòng tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng đất nước giàu mạnh, vì sự phát triển bền vững của Tổng công ty và mỗi người lao động. Phát huy truyền thống của ngành GTVT trong những năm kháng chiến "Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm", "Địch phá ta cứ đi", "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…" thành truyền thống xung kích vượt mọi khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ trong bất kỳ tình huống nào; truyền thống lao động sáng tạo, tự lực tự cường.
Xây dựng cầu đường với bước đi vững chắc
Những năm qua, đứng trước những khó về việc làm, sự cạnh tranh trong thị trường xây dựng, những người thợ cầu Thăng Long đã xác định những khó khăn là không thể tránh khỏi và quan trọng hơn là những biện pháp của Tổng công ty để đối diện với những khó khăn đó. Tổng công ty luôn tập trung các nguồn lực cho ngành nghề chính là xây dựng cầu đường với bước đi vững chắc, không đầu tư giàn trải sang lĩnh vực khác. Tổng công ty quyết tâm vượt lên khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thời gian qua, Tổng công ty đã hoàn thành bàn giao đúng và về trước tiến độ 5 dự án quan trọng: Gói 6 cầu Phù Đổng, Gói CP2-10 cầu đường sắt, Gói 3 - Đường Vành dai 3 - Giai đoạn 2, cầu Rạch Chiếc, các gói PK2, PK1A - dự án QL 3 mới. Đặc biệt, năm 2012, đơn vị đã tham gia thi công các cầu vượt thuộc các dự án nhằm hạn chế ùn tắc giao thông trong 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Cầu vượt nhẹ nút giao Láng Hạ, Chùa Bộc thi công về trước tiến độ; cầu vượt nút giao Nguyễn Chí Thanh - Đường Láng; cầu vượt nút giao Thủ Đức; nút giao Hàng Xanh - TP. Hồ Chí Minh... Việc hoàn thành vượt tiến độ các cây cầu trên đã đóng góp phần hạn chế ùn tắc giao thông tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đã được lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, TP. Hà Nội và các chủ đầu tư hoan nghênh, động viên và tin tưởng rất lớn.
Với sức ép tiến độ rất cao của các công trình, Tổng công ty đã liên tục kiểm soát tiến độ theo ngày, thường xuyên đôn đốc thi công quyết liệt và áp dụng một loạt các giải pháp như: Thực hiện thưởng phạt tiến độ hàng tháng, thường xuyên rà soát các cam kết thực hiện và có giải quyết kịp thời các vướng mắc tồn tại; đưa ra khỏi công trường hoặc điều chuyển công việc một số các đơn vị yếu kém; hỗ trợ các thủ tục thi công, nghiệm thu thanh toán, chuyển tiền trực tiếp cho các nhà cung cấp; quản lý để đảm bảo tiền dự án phải được đưa vào dự án, trong đó ưu tiên tiền trả cho các nhà cung cấp vật liệu; chủ động tối đa nguồn tài chính, để các dự án trọng điểm không chậm tiến độ do thiếu vốn.
Ban lãnh đạo Tổng công ty Thăng Long tại Lễ Khánh thành Đường cao tốc Bắc-Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây do Tổng công ty thi công.
Vượt lên những khó khăn, với sự cố gắng nỗ lực, Tổng công ty đã làm tốt công tác cổ phần hóa doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục có những chuyển biến tích cực trong quá trình đổi mới và tái cấu trúc doanh nghiệp: Thực hiện điều chỉnh cơ cấu lao động của Tổng công ty, định biên lại, tăng cường quản lý chặt chẽ tại các đơn vị phụ thuộc. Những năm qua, Tổng công ty luôn đẩy mạnh tìm kiếm các dự án mới; gần đây nhất trong vai trò liên danh, Tổng công ty Thăng Long tham gia thực hiện hai gói thầu thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 là Gói thầu XL01 thuộc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (1.687,6 tỷ đồng) và Gói thầu số 4-XL thuộc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (1.022 tỷ đồng) đưa vào khai thác 30/4/2023.
Không chỉ có vậy, hàng loạt các dự án khác mà người thợ cầu Thăng Long thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ như: Dự án cầu Rào bắc qua sông Lạch Tray có tổng mức đầu tư hơn 2200 tỷ đồng đã được thông xe năm 2021. Tổng công ty hiện đã và đang tham gia thực hiện một loạt công trình lớn như Gói thầu số 05 Thi công xây dựng công trình, thuộc Dự án Xây dựng cầu Như Nguyệt, tỉnh Bắc Giang với giá 271,89 tỷ đồng; Gói thầu XL-04 Thi công xây dựng cầu Bến Mới, thuộc Dự án Cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ (giai đoạn 1) trúng thầu với giá 360,7 tỷ đồng liên danh với Ilsung Construction Co., Ltd; Gói thầu số 12 Xây dựng cầu Kênh Đào - Km2+200, cầu Tổ hợp - Km 3+600 (bao gồm công tác khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công và đảm bảo an toàn giao thông thủy cầu Tổ Hợp) với giá trúng thầu 937,3 tỷ đồng… Mới đây nhất, Tổng công ty Thăng Long đã góp mặt trong liên danh được lựa chọn thực hiện Gói thầu 13XL, Dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 quy mô 5.336,85 tỷ đồng, phần giá trị Tổng công ty Thăng Long đảm nhiệm thi công là hơn 1.544,2 tỷ đồng; đoạn Chí Thạnh - Vân Phong, Gói thầu XL01 với giá trị hợp đồng là 4.304 tỷ đồng, trong đó phần giá trị của Tổng công ty Thăng Long đảm nhận khoảng 789 tỷ đồng.
Công nghệ kỹ thuật là then chốt làm nên chất lượng công trình
Để làm nên chất lượng, tiến độ và thương hiệu thợ cầu Thăng Long, lãnh đạo qua các thời kỳ luôn xác định ứng dụng công nghệ kỹ thuật là then chốt làm nên chất lượng công trình. Tại các dự án của Tổng công ty thi công, khoa học kỹ thuật đã tham gia vào tất cả các quá trình sản xuất từ việc lập phương án đấu thầu, lập thiết kế tổ chức thi công, trình duyệt hồ sơ thiết kế với tư vấn và chủ đầu tư đến việc hỗ trợ các ban điều hành các thủ tục nghiệm thu hoàn công công trình. Các dự án đều được quản lý giám sát thực hiện về công nghệ, về biện pháp thi công, về chất lượng và an toàn vệ sinh công nghiệp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của dự án. Trong năm qua, Tổng công ty đã làm tốt công tác quản lý chất lượng công trình từ khâu cung cấp nguyên vật liệu đến tổ chức thi công, không vì ép tiến độ mà lơ là quản lý chất lượng.
Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Tổng công ty Thăng Long, một chặng đường phát triển thực sự chưa phải là dài. Song, để đứng vững được như ngày hôm nay, các lớp cán bộ, công nhân viên của Tổng công ty đã biết phát huy truyền thống, dùng lịch sử làm thước đo, dấu ấn để đi lên và khẳng định thương hiệu thợ cầu Thăng Long, đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển hạ tầng GTVT của cả nước.
Tác giả: Hoàng Thạch
Dưới đây là một số công trình tiêu biểu do Tổng công ty tham gia thi công:
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1.
Cầu Pá Uôn.
Cầu đường sắt Trường Xuân.
Cầu Kiền.
Cầu Đông Trù.