So sánh sản phẩm

Liên danh TLG-Tekken - Yokogawa - Marubeni - thay thế thành công dầm chính cầu Bà Bầu

“Biến” cầu cũ ra cầu mới
     Theo kế hoạch của ngành Đường sắt, toàn bộ công việc thay thế cầu Bà Bầu chỉ được diễn ra khoảng hơn 4 tiếng để đảm bảo kế hoạch chạy tàu. Chính vì vậy, các nhà thầu đã phải huy động hơn 100 công nhân, cán bộ kỹ sư giỏi, thành thạo công việc trực tiếp thi công giám sát với tinh thần khẩn trương và đảm bảo chính xác tuyệt đối từng công đoạn.
     Ông Phan Quốc Hiếu, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Thăng Long cho biết, hầu hết các cầu thuộc dự án, trong đó có cầu Bà Bầu đều đã có tuổi thọ 50- 60 năm, do đó việc triển khai thay thế hết sức phức tạp. 
Gần như toàn bộ công đoạn di chuyển cầu mới đều phải làm thủ công bằng tay, bởi phải đảm bảo độ chính xác tuyệt đối. Đầu tiên là phải làm mố và trụ cầu mới bằng bê tông cốt thép theo tim cầu cũ, chỉ tịnh tiến lên xuống để tránh mố, trụ cầu cũ.
     Cùng với việc xây mố và trụ cầu mới sẽ phải dựng một thân cầu bằng kết cấu thép trên hệ trụ tạm song song với cầu cũ. Đối diện với hệ trụ tạm đỡ thân cầu mới qua phía bên kia cầu cũ là một hệ trụ tạm nữa để đỡ cầu cũ. Sau đó, phải nâng đường sắt tại hai đường dẫn đầu cầu và kê kích cầu cũ lên hệ mố trụ mới để định hình đường ray mới hai bên đầu cầu thật chuẩn.
     “Bước quyết định của công nghệ “đổi cầu” là dời cầu cũ sang hệ trụ tạm được dựng sẵn và di chuyển cầu mới từ hệ trụ tạm vào vị trí mố, trụ đã xây mới, đồng thời, phải căn chỉnh đường ray đã làm trên cầu với đường ray hai đầu cầu cho khớp nối như một để tàu chạy êm thuận. Công đoạn này phải có sự phối hợp ăn ý và chính xác tuyệt đối, nếu không mọi công sức sẽ đổ xuống sông xuống biển”- ông Hiếu khẳng định.
     Giám đốc dự án ông Yasushi Nakagawa cũng cho biết, trong thời gian đầu, việc thi công thay thế cầu Bà Bầu và một số cầu khác gặp rất nhiều khó khăn do sự phối hợp chưa thực sự ăn ý giữa các nhà thầu và đơn vị liên quan. Tuy nhiên, các kỹ sư, công nhân của Tổng công ty XD Thăng Long rất năng động và học hỏi nhanh nên giờ đã áp dụng khá thuần thục và đạt được kết quả mỹ mãn tại cầu Bà Bầu. Cũng theo ông Nakagawa, kết quả đạt được tại cầu Bà Bầu là cơ sở để tin rằng, các cầu khác thuộc gói thầu CP2 và những gói thầu khác của dự án sẽ được triển khai ngày càng thuần thục và chất lượng tốt hơn.
   Đường sắt sẽ an toàn và hiệu quả hơn
     Trao đổi với phóng viên Báo GTVT, ông Ngô Anh Tảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN cho biết, tuyến đường sắt Hà Nội- TP.HCM đã được xây dựng từ rất lâu nên nhiều cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, khiến cho tốc độ tàu rất hạn chế, ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông của các chuyến tàu.
     Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt với công nghệ hiện đại mà các nhà thầu Nhật Bản và Việt Nam áp dụng sẽ thay thế 44 cây cầu cũ không còn đảm bảo an toàn trên tuyến đường sắt huyết mạch này. Khi các cây cầu này hoàn thành và đưa vào sử dụng, các chuyến tàu sẽ được khai thác không hạn chế về tốc độ và an toàn hơn cho hành khách.
     Cầu Bà Bầu là cầu đầu tiên của gói thầu xây lắp số 2 (CP2) nâng cấp 10 cầu đường sắt, đường dẫn đầu cầu của các cầu Phò Trạch, Truồi, Thừa Lưu (Thừa Thiên - Huế), Nam Ô (Đà Nẵng), Bầu Sấu, Châu Lâu, Bầu Thinh, Tam Kỳ, Bà Bầu và An Tân (Quảng Nam), thuộc Dự án nâng cao an toàn các cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP.HCM được triển khai.
      Hiện nay, liên danh nhà thầu đang nỗ lực hoàn thiện đúng và vượt trước tiến độ kế hoạch thay thế các cây cầu và phấn đấu từ nay đến cuối năm, sẽ hoàn thành việc thay dầm chính hai cầu nữa, đến hết tháng 4/2012 thay dầm chính 9 cầu và tháng 8/2012 thay dầm cầu cuối cùng là cầu Nam Ô. Sắp tới đây đây, các nhà thầu sẽ tiếp tục triển khai 7 cầu thuộc gói CP1A từ Quảng Bình vào Thừa Thiên -Huế. Khi các cây cầu này hoàn thành sẽ góp phần đáng kể nâng cao năng lực vận tải, rút ngắn hành trình chạy tàu.

 
Đức Thắng
Ngày đăng: 13/10/2011

Tin cùng danh mục